Mô hình họp Phụ huynh học sinh tích cực, chủ động

Vừa qua, tại Vinschool có các cuộc họp phụ huynh học sinh (PHHS) đầu năm được tổ chức theo mô hình “Hội thảo học tập đầu năm” . Người trình bày chính ở đó là GVCN, PHHS và cả học sinh đều tham gia tích cực, chủ động vào cuộc họp, cùng bàn bạc, thảo luận, thống nhất những giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề của tập thể lớp mình.

PHHS tích cực thảo luận, làm việc nhóm

Mô hình “Hội thảo học tập đầu năm” – một “đặc sản” họp PHHS đầu năm ở Vinschool.

Tận dụng cơ hội để phát triển các kỹ năng cho học sinh

Trong cuộc họp, học sinh chủ động dẫn dắt các hoạt động đón tiếp phụ huynh, tổ chức hoạt động “phá băng” bằng các trò chơi vận động và tư duy.

Học sinh sử dụng ứng dụng Kahoot để tạo ra trò chơi Game-show “Ai là Phụ huynh học sinh 9A2?” và PHHS sử dụng điện thoại của mình để tham gia trò chơi. Các câu hỏi trắc nghiệm trong trò chơi đều liên quan đến lớp, như: Lớp có bao nhiêu học sinh?; Học sinh được học bao nhiêu môn học?;…

PHHS sôi nổi tham gia chơi, lại vừa được biết thêm các thông tin về học tập của con. Đây cũng chính là mục tiêu của học sinh khi tổ chức trò chơi này.

Tận dụng nguồn lực to lớn từ PHHS

Đến nội dung chính của Hội thảo, GVCN là người điều phối. PHHS được chia thành các nhóm 5-6 người. Sau đó, GVCN đưa ra các chủ đề, các nhóm phụ huynh được bàn bạc, thảo luận để trình bày.

Với chủ đề: “Làm thế nào để con học tốt?”, các nhóm có 10 phút để bàn bạc, thảo luận. Sau đó, nhóm cử đại diện trình bày sản phẩm của nhóm mình. Các nhóm khác lần lượt bổ sung. Học sinh chính là người ghi nhận những ý kiến này. Các nhóm phụ huynh đều hoàn toàn thống nhất, để con học tốt phải hội tụ đủ ba yếu tố bản thân sự nỗ lực của học sinh, phương pháp giảng dạy tích cực của thầy cô và sự hỗ trợ không nhỏ từ gia đình.

Khi mà chính phụ huynh là người xác định được trách nhiệm của mình trong việc giáo dục học sinh thì trách nhiệm của GVCN đã được san sẻ đi nhiều. Phụ huynh cũng chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về các chủ đề: “Làm thế nào để giúp con chủ động?”, “Trao quyền cho con như thế nào?”, “Hỗ trợ học tập ở nhà như thế nào?,..

Các chủ đề: “Những kỹ năng cần thiết của học sinh trong thế kỷ 21”, “Học tập như thế nào trong thời đại 4.0?”, “Tại sao phải trở thành công dân toàn cầu?”,… cũng là những chủ đề thú vị có thể đưa ra để PHHS thảo luận và chia sẻ. Đây là những kinh nghiệm quý báu để các phụ huynh khác tham khảo, học hỏi để hỗ trợ con mình tốt hơn.

Trải nhiệm các phương pháp học tập tích cực

Qua việc phân công nhiệm vụ, GVCN trao quyền, tạo cơ hội cho học sinh thể hiện các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tổ chức, kỹ năng thuyết trình,…Khi phụ huynh học sinh chứng kiến các con điều hành cuộc họp, khi tham gia các trò chơi của các con tổ chức, phụ huynh có thể thấy được vai trò trung tâm của học sinh trong các hoạt động giáo dục.

Đặc biệt là khi tham gia hội thảo, phụ huynh được đóng góp ý kiến, được đưa ra giải pháp, được làm việc nhóm, trình bày, chia sẻ trước tập thể,… phụ huynh học sinh được trải nghiệm cách thức tổ chức hoạt động dạy học của giáo viên trên lớp, phụ huynh sẽ thấu hiểu hơn các phương pháp giảng dạy tích cực của nhà trường.

Chia sẻ trách nhiệm giáo dục học sinh và thống nhất quan điểm làm việc hiệu quả

Trong quá trình thảo luận, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh và học sinh cùng xác định được vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng đối với hiệu quả học tập của học sinh. Qua đó, giáo viên chủ nhiệm chia sẻ được trách nhiệm của mình trong việc giáo dục giảng dạy học sinh, học sinh ý thức sâu sắc vai trò quyết định của cá nhân đối với việc học của mình, phụ huynh hiểu được trách nhiệm của bố mẹ cần đồng hành với con trong quá trình học tập, trưởng thành.

Cảm nhận sau khi tham buổi họp đầu năm, nhiều PHHS cho biết rất bất ngờ và cảm thấy thoải mái, thú vị khi được tham gia buổi họp theo mô hình này. Phụ huynh cảm thấy được tôn trọng vì được chủ động chia sẻ ý kiến của mình, đóng góp những giải pháp cho GVCN trong việc giáo dục học sinh.Phụ huynh mong muốn được tham gia nhiều cuộc họp của lớp theo mô hình này nữa.

Tác giả: Theo Đỗ Văn Bảo – Tiếng nói giáo viên
 Nguồn: giaoducthoidai.vn

Trả lời