ĐTO – Năm 2018, Trường THCS Mỹ Quý (xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười) là đơn vị trường đầu tiên trong tỉnh thực hiện dự án “Trồng cải và cà chua trong ống nhựa có hệ thống quan sát và tưới từ xa qua điện thoại di động” và “Nuôi cua đồng sinh sản”. Dự án được Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên (GV), một số học sinh (HS) khối lớp 8,9 tham gia. Dự án đặc biệt này là một định hướng mới cho phương pháp giảng dạy lý thuyết gắn với thực hành, nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ 4.0 trong dạy và học.
Nhóm dự án tìm hiểu, nghiên cứu quá trình cua phát triển
Thầy Nguyễn Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Quý chỉ tay về hướng một ngôi nhà nhỏ trong khuôn viên sân trường. Bên trong ngôi nhà là dãy ống nhựa có khoét vòng tròn, từng hàng cải xanh, cà chua tươi tốt mọc trên những chiếc ống nhựa (nơi có những vòng tròn). Thấp hơn dãy ống nhựa và một hồ nước nhỏ, bên trong được phủ đất sình. Lớp trên sình là các hàng mạ non, có gắn những ống bùn, mỗi ống bùn là hang của những con cua đồng. Nhà trường đã thành lập Ban Kỹ thuật các tổ bộ môn Lý, Sinh, Toán cùng tham gia thực hiện dự án ứng dụng công nghệ. Hệ thống nhà khung được đầu tư với chi phí trên dưới 10 triệu đồng. Ý tưởng dự án, quá trình thực hiện được mọi người đóng góp ý kiến, quyết tâm thực hiện. Tập thể Trường THCS Mỹ Quý mong muốn mô hình sẽ giúp HS nông thôn tiếp cận với kỹ thuật trồng sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ 4.0 ngay tại khuôn viên trường. Thầy Dũng cho biết: “Dự án “Trồng cải và cà chua trong ống nhựa có hệ thống quan sát và tưới từ xa qua điện thoại di động” và “Nuôi cua đồng sinh sản” xuất phát từ mô hình dạy học STEM được thực hiện. Kỹ thuật trồng rất đơn giản, không sử dụng nước thủy canh, không sử dụng thuốc trừ sâu, chỉ dùng đất trộn phân hữu cơ, để vào ống nhựa, gieo hạt cải, cà chua. Sau một thời gian, cải, cà chua mọc lên thành luống rau xanh tốt. Lúc đầu, khi mới triển khai dự án, mọi người rất lo vì không biết thành công hay không? Nhưng giờ thì mọi người rất phấn khởi với công nghệ trồng như thế này…”.
Dự án “Trồng cải và cà chua trong ống nhựa có hệ thống quan sát và tưới từ xa qua điện thoại di động” được thực hiện bởi GV, nhóm HS với 15 thành viên, các em là HS lớp 9A2, có niềm đam mê Hóa học, Công nghệ Kỹ thuật, Toán. Mỗi thành viên trong nhóm phân công nhiệm vụ lẫn nhau từ quan sát khí hậu, thời tiết cho đến đo nhiệt độ khu vực trồng, đo độ PH của nước tưới… Em Nguyễn Anh Thư – HS lớp 9A2 chia sẻ: “Mô hình rất thú vị, kiến thức em tiếp thu được là có thể trồng rau sạch với kỹ thuật đơn giản, tốt cho sức khỏe. Chúng em nghiên cứu từ khâu ươm giống, không dùng phân thuốc, chăm sóc tự nhiên cho cây phát triển. Một số thông tin do thầy cô trong trường hướng dẫn hoặc tự nghiên cứu, tìm hiểu thêm trên mạng…”. Chứng kiến những luống cải phát triển mỗi ngày, em Lê Nguyễn Phước Thịnh – HS lớp 9A2 cho biết: “Trước giờ em chưa tham gia mô hình thực tế như thế này. Việc học, thực hành qua việc chăm sóc cây hàng ngày mang lại cảm giác rất thích thú, bây giờ em mới biết khi ứng dụng công nghệ vào thực tế có thể cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho gia đình và mọi người…”. Đặc biệt, những thành viên của dự án sử dụng camera quan sát, dùng điện thoại di động điều khiển tự động tưới cải, cà chua. GV Nguyễn Thanh Phú, dạy môn Sinh học cho biết: “Các GV trong trường đã hỗ trợ cùng chúng tôi thực hiện dự án, ở bất cứ đâu, khi muốn tưới cà chua, cải chúng tôi có thể ứng dụng công nghệ 4.0, quan sát camera và bấm điều khiển tưới qua điện thoại. Lần đầu tiên, các em HS nông thôn tiếp cận và chứng kiến điều này, các em rất ngạc nhiên vì không tin có thể làm được như vậy…”.
Cùng thực hiện với dự án “Trồng cải và cà chua trong ống nhựa có hệ thống quan sát và tưới từ xa qua điện thoại di động” là dự án “Nuôi cua đồng sinh sản”. Thực hiện dự án nuôi cua là thầy Lê Hùng Đức, dạy môn Sinh học cùng nhóm HS lớp 8. Thầy Đức chia sẻ: “Con cua đồng đang giảm sút trong tự nhiên, đó là lý do chúng tôi chọn con cua đồng nghiên cứu. Khi dự án triển khai cho HS, lúc đầu tôi cũng lo, sau khi tìm hiểu, nghiên cứu kỹ, hiện nay cua đồng đang sinh sản, phát triển tốt. Trong quá trình nuôi, chúng tôi đúc kết, ghi chép lại những yếu tố, công thức, hướng dẫn giảng dạy các em HS, thực hiện mục tiêu tái tạo giống cua trước nguy cơ đang bị ít đi trong tự nhiên…”. Đồng hành cùng với GV, đại diện nhóm, em Phan Lê Thi – HS lớp 8A1 cho biết: “Em nghĩ đây là dự án thú vị đối với em khi học tại trường. Trong thời gian 3 ngày, em làm nhiệm vụ theo dõi nhiệt độ, các bạn khác theo dõi độ PH, cân, đo cua, cho cua ăn…, phương pháp học gắn với thực hành giúp cho em có kiến thức tốt hơn…”.
Đối với tập thể GV, HS Trường THCS Mỹ Quý, bước khởi đầu của 2 dự án đã tạo động lực mới trong quá trình học tập, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ. Nhiều tập thể, cá nhân từ các nơi đã tìm đến học tập kinh nghiệm. Theo Ban giám hiệu nhà trường dự án sẽ được tiếp tục nhân rộng toàn trường, khuyến khích HS tiếp cận công nghệ, cách trồng trọt theo mô hình mới, công nghệ mới. Đối tượng nghiên cứu tiếp theo sẽ là những loài cá khan hiếm tại địa phương, các loại cây trồng như dưa, hoa lan…
C.Phương
Nguồn: Báo Đồng Tháp Online